Tăng huyết áp là bệnh mạn tính, cần theo dõi đều và điều trị lâu dài suốt đời. Vì vậy, bạn nên có kiến thức đầy đủ về bệnh tăng huyết áp ở người già để có phương pháp chăm sóc phù hợp và hiệu quả hơn.
Tăng huyết áp dao động có nguy hiểm không?
Huyết áp của người khỏe mạnh cũng như của người tăng huyết áp bao giờ cũng biến đổi ít nhiều trong 24 giờ. Đa số có huyết áp thấp nhất vào khoảng 2-3 giờ sáng, sau đó tăng dần lên và giữ ở mức cao hơn vào ban ngày. Bình thường sau khi ngủ dậy buổi sáng 6 giờ huyết áp lên cao cho đến 19-20 giờ mới xuống dần, thấp nhất là 24 giờ đến 5 giờ sáng. Một số người dùng chữ “tăng huyết áp dao động” khi các con số đo được có lúc cao hơn 140/90 có lúc thấp hơn mặc dù chưa dùng thuốc tăng huyết áp. Dao động như vậy là một dạng nhẹ của tăng huyết áp giới hạn (không đáng kể). Tuy chưa cần dụng thuốc, nhưng cũng cần theo những lời khuyên, để ngăn huyết áp khỏi cao thường xuyên. Hiện nay người ta khuyên không nên dùng từ tăng huyết áp dao động vì dể hiểu lầm.
Thế nào là huyết áp kẹt. Huyết áp kẹt có đáng sợ không?
Người ta dùng chữ huyết áp kẹt khi hai con số tâm thu và tâm trương quá gần nhau. Bình thường huyết áp tâm trương bằng nửa huyết áp tâm thu cộng thêm 10-20 mmHg. Thí dụ: Huyết áp tâm thu bằng 110 thì huyết áp tâm trương vào khoảng 65-75. Nếu huyết áp tâm trương là 80-90 thì có thể coi là huyết áp kẹt.
Trước đây, người ta cho rằng huyết áp kẹt là do tim bị yếu nặng, tiên lượng không tốt. Nhưng sau này không có nghiên cứu nào cho thấy tăng huyết áp kẹt lại nặng hơn. Vì vậy 4-5 chục năm gần đây, các nhà chuyên khoa không nói gì đến tăng huyết áp kẹt nữa, mà chỉ dùng cụm từ tăng huyết áp tâm thu, tăng huyết áp tâm trương, tăng huyết áp toàn bộ (thu – trương) mà thôi.
Thậm chí nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng huyết áp kẹt có nghĩa là động mạch có độ đàn hồi tốt, và do vậy thực tế thấy ít bị nhồi máu cơ tim hơn người có 2 con số huyết áp cách xa nhau.
Về điều trị, cũng dùng thuốc như trong tăng huyết áp thông thường (xem dưới), không có thuốc gì đặc trị cho tăng huyết áp “kẹt” cả.
Tăng huyết áp có thể gây ra những biến chứng gì?
Chính những biến chứng mới là nỗi nguy hiểm của tăng huyết áp. Có 4 cơ quan trong cơ thể người hay bị biến chứng của tăng huyết áp. Đó là:
Não: Tắc mạch não, chảy máu não là những biến chứng nặng nhất và hay gặp nhất. Người bị liệt nửa người và có thể chết. Nhẹ hơn, là những rối loạn chức năng não như: Nhức đầu dữ dội, mờ mắt, chóng quên v.v...
Chỉ cần hạ được 5 mmHg ở người tăng huyết áp là số tai biến mạch máu não giảm được 35-40%.
Tim: Tim bị to ra, cơ dày lên, nặng hơn nữa là đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim.
Thận: Phù và suy thận gây thiếu máu, mệt mỏi.
Động mạch: Hẹp hoặc tắc động mạch ở chi, ở cổ v.v... Tắc động mạch ở đáy mắt, có thể mù đột ngột.
Tại sao có người gầy (ốm) xanh xao mà huyết áp vẫn cao, trong khi có người béo (mập) da đỏ hồng hào, mà huyết áp lại thấp?
Huyết áp cao hay thấp không hoàn toàn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe chung. Tuy nhiên trong thực tế, người béo, nhất là béo quá khổ, dể bị tăng huyết áp hơn người có cân nặng trung bình (xem dưới). Muốn biết huyết áp tăng hay bình thường, chỉ có một cách là đo bằng máy, chứ không dựa vào gầy hay béo, xanh xao hay hồng hào.
Tăng huyết áp ở người cao tuổi có đặc điểm gì?
Đặc điểm tăng huyết áp ở người già là:
- Tăng huyết áp hay gặp ở người cao tuổi hơn ở người trẻ tuổi. Thí dụ: Việt Nam từ 20 đến 29 tuổi chỉ có 1,6% bị tăng huyết áp.
Càng nhiều tuổi tỷ lệ đó càng tăng; đến 50-54 tuổi đã là 9,72%; 55-69 tuổi là 12,1%, 60-64 tuổi là 15,5%; 65-69 tuổi là 19,5%; và trên 70 tuổi là 29,3%.
- Chữa tăng huyết áp ở người già đem lại nhiều lợi ít hơn ở người trẻ: Tỷ lệ biến chứng và tỷ lệ tử vong đều hạ xuống rõ rệt. Không nên quan niệm rằng đã già rồi không cần chữa. Ở người già, phải dùng thuốc liều thấp để hạ huyết áp từ từ. Hạ nhanh quá dễ phát sinh thêm các biến chứng khác.
Là vì ở người già hay có các tác dụng phụ do thuốc, không nên hạ huyết áp bằng dùng nhiều thuốc quá. Huyết áp được hạ xuống tới 140/90 là tốt rồi; đôi khi phải tạm chấp nhận với con số huyết áp cao hơn thế, chẳng hạn 160/95.
BS Nguyễn Đình Hạc Thúy - Trưởng ban Bảo vệ sức khỏe Ủy ban Nông nghiệp TW Việt Nam
Tin mới
- 8 vị trí không ngờ trên cơ thể có thể bị ung thư da - 06/05/2019 01:16
- Tầm quan trọng của Vitamin B1 đối với cơ thể - 05/05/2019 03:38
- Mối liên hệ giữa trọng lượng cơ thể và nguy cơ ung thư vú - 05/05/2019 03:34
- Chìa khóa để "cải lão hoàn đồng" có thể nằm ở não bộ - 04/05/2019 02:54
- Những lưu ý không được bỏ qua khi ăn mít - 04/05/2019 01:48
Các tin khác
- Mỹ phê chuẩn vắc xin Dengvaxia phòng sốt xuất huyết - 03/05/2019 01:03
- Ăn chay – Hiểu thế nào cho đúng? - 02/05/2019 01:49
- 7 loại trái cây giải nhiệt bạn nên ăn khi nắng nóng - 02/05/2019 01:45
- Tăng huyết áp - bệnh phổ biến nhất trong các bệnh tim mạch - 01/05/2019 04:09
- Vì sao nếp nhăn lại xuất hiện khi ta già đi? - 01/05/2019 04:00