Bão YAGI hình thành trên vùng biển phía Đông Philippines và đi vào biển Đông từ sáng ngày 2-9, trở thành cơn bão số 3 năm 2024 hoạt động trên Biển Đông.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia nhận định bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông. Chỉ trong thời gian ngắn, bão đã mạnh lên cấp siêu bão và duy trì trong nhiều giờ đồng hồ.
Hiện nay, dù siêu bão số 3 đã giảm cấp nhưng cường độ vẫn rất mạnh, đang ở cấp bão cuồng phong với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17.
Dự báo, chiều tối nay bão số 3 sẽ đi vào đất liền phía Đông Bắc Bộ với cường độ cấp 9, giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 ở khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng. Khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hoá có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Dự báo trong hôm nay sẽ là thời điểm gió mạnh nhất của bão số 3 với sức gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14 cho vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá. Khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11.
Vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá sóng cao 2,0-3,0m, sau tăng lên 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão 3,0-5,0m. Các khu vực neo đậu tàu thuyền, khu nuôi trồng thuỷ sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng/rút do bão.
Trong hôm nay, bão cũng gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ và Thanh Hoá, tập trung ở Đông Bắc Bộ. Đồng thời, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, tố, lốc và gió giật mạnh.
Trước dự báo diễn biến như trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, khuyến cáo:
“Người dân ở các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 3 cần tuyệt đối không ra ngoài lúc mưa to, gió lớn khi hoàn lưu bão ảnh hưởng trực tiếp.
Đối với các tỉnh thành phố vùng núi, trung du Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa là những nơi đối mặt với nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là nhà ở, các công trình như nhà tạm, nhà cạnh các khai trường, hạ lưu hồ chứa… và tổ chức di dời ngay người dân và tài sản khi thấy không đảm bảo an toàn; kiên quyết di dời người dân đến nơi đảm bảo an toàn. Sau khi bão qua, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn còn hiện hữu những ngày sau đó nên cần hết sức đề phòng”.
Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cũng khuyến cáo trong hôm nay, người dân nên ở nhà. Vì bão ảnh hưởng rộng, giông lốc có thể xảy ra, có thể cuốn mái tôn, biển hiệu quảng cáo, gây nguy hiểm tới người dân.
Nguồn: Báo Pháp Luật
Xem thêm nhiều thông tin mới được cập nhật trong ngày trên: News Thời Đại