Sông thoát lũ chậm có nguy cơ ngập úng, sạt lở vẫn kéo dài
Cơ quan khí tượng cảnh báo, quá trình thoát lũ, giảm lũ trên hệ thống sông Hồng có khả năng diễn ra chậm, nên tình trạng ngập còn diễn ra nhiều ngày tại các vùng trũng, vùng thấp ven sông xảy ra ngập úng. Cùng News Thời Đại cập nhật tình hình mới nhất!
Vùng trũng thấp tiếp tục ngập úng
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lũ trên sông Cầu, sông Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Thương, sông Lục Nam đang xuống chậm. Trong 24 giờ tới, mực nước nhiều trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình có xu thế xuống chậm, phổ biến còn ở mức cao từ báo động 2- báo động 3 (BĐ2-BĐ3), có nơi trên mức BĐ3.
Trong 12 giờ tới, lũ trên sông Lục Nam, sông Thương và sông Thái Bình xuống dưới mức BĐ3 và trên mức BĐ2; trên sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Hoàng Long tại Bến Đế tiếp tục xuống nhưng vẫn ở trên mức BĐ3.
Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Cầu, sông Thương và sông Hoàng Long tiếp tục xuống dưới mức BĐ3 và trên mức BĐ2; sông Lục Nam và sông Thái Bình sẽ xuống dưới mức BĐ2.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, quá trình thoát lũ, giảm lũ trên hệ thống sông Hồng có khả năng diễn ra chậm, nên tình trạng ngập úng còn diễn ra nhiều ngày tại các vùng trũng, vùng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính tại các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương.
Với diễn biến mưa giảm được dự báo trong những ngày tới thì tình trạng ngập ở vùng trũng, thấp ven sông sẽ dần được cải thiện. Vùng trũng thấp ở Chương Mỹ ven sông Bùi sẽ rút nước sau 6-8 ngày tới, sông Tích khoảng 5-7 ngày, hạ lưu sông Cà Lồ và sông Nhuệ từ 1-2 ngày.
Khu vực ven sông hạ lưu sông Hồng- Thái Bình (tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương) thời gian rút nước kéo dài hơn.
Nguy cơ xảy ra sạt lở đất vẫn trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ dù mưa đã giảm (thông tin dự báo, cảnh báo lũ quét, ngập úng, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/ và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất).
Nhiều nơi trời nắng vẫn nguy cơ cao sạt lở
Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở nhiều khu vực. Trong 24 giờ qua (từ 8 giờ ngày 13/9 đến 8 giờ ngày 14/9), khu vực các tỉnh Bắc Bộ đã có mưa từ 10-40mm. Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh Bắc Bộ có mưa với lượng mưa từ 5-10mm, có nơi trên 30mm.
Thời gian vừa qua, trên khu vực vùng núi các tỉnh Bắc Bộ đã liên tục có mưa lớn kéo dài, đất đá đã bão hòa, lũ trên các sông đã xuống nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sạt lở đất ngay cả khi không mưa.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế – xã hội.
Đóng tiếp 1 cửa xả hồ thủy điện Tuyên Quang
Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công điện gửi Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang về việc đóng 1 cửa xả hồ thủy điện Tuyên Quang.
Theo đó, lúc 7h ngày 14/9/2024, mực nước thượng lưu hồ Tuyên Quang ở cao trình 116,99m, lưu lượng đến hồ 1.407m3/s, lưu lượng xả 1.835m3/s. Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang đóng tiếp 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang vào hồi 10h00′ ngày 14/9.
Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa kịp thời báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) và các cơ quan liên quan theo quy định.
Như vậy đến nay, trong 6 hồ thủy điện lớn nhất miền Bắc thì chỉ còn hồ thủy điện Tuyên Quang duy trì 1 cửa xả cuối cùng. Tất cả các hồ thủy điện khác đã đóng hết cửa xả nhằm ứng phó với mưa lũ, ngập úng ở hạ du do nước sông rút chậm sau bão số 3.
Nguồn: Báo Sức khoẻ & Đời sống
Xem thêm nhiều thông tin mới được cập nhật trên: News Thời Đại